Lượt xem: 1037

Con đường mang tên Lê Hoàng Chu - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng

Là một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên ở tỉnh Sóc Trăng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hoàng Chu đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng gắn bó lâu dài nhất là công tác mặt trận. Đặc biệt, đồng chí có gần 15 năm đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng. Ở vị trí công tác nào, đồng chí cũng luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ, luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân. Để tưởng nhớ và tri ân người con ưu tú của quê hương, năm 2006 đường Kênh Xáng mà người dân quen gọi ở Phường 7, thị xã Sóc Trăng được đặt tên là đường Lê Hoàng Chu.

    Lê Hoàng Chu có tên thường gọi là Lê Giáo Huấn, Mười Chu, sinh năm 1908 tại trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở tỉnh Trà Vinh. Từ nhỏ, Lê Hoàng Chu có tiếng là một học trò thông minh, học giỏi. Thế rồi tai họa ập đến gia đình Hoàng Chu. Vì không chịu nổi cảnh ức hiếp tá điền của địa chủ, cường hào nên cha của Hoàng Chu và một số nông dân đã đứng lên đấu tranh đòi lại ruộng đất bị chúng chiếm đoạt. Bọn tề làng đã bắt giam nhiều người, trong đó có cha Hoàng Chu, tất cả đều bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man. Vốn là một thanh niên cương trực, ghét thói hà hiếp dân lành, một lần khi người cha bị giải lên quận, Hoàng Chu đã phục kích đánh hai tên lính và giải thoát cho cha. Sau việc làm này, gia đình Hoàng Chu phải nhanh chóng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, xuống ghe chài lưu lạc về phương nam và dừng chân ở làng Mỹ Quới.

    Tại vùng đất mới này, Lê Hoàng Chu được tuyên truyền, giác ngộ lòng yêu nước và được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Từ tổ chức này, giữa năm 1930, Chi bộ Mỹ Quới bí mật được thành lập, Lê Hoàng Chu trở thành đảng viên của Chi bộ Mỹ Quới. Dưới danh nghĩa thầy giáo làng, đồng chí Lê Hoàng Chu có điều kiện thâm nhập vào quần chúng, giáo dục những lớp học trò của mình tư tưởng yêu nước, đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Phong trào cách mạng ở làng Mỹ Quới không ngừng phát triển, lan rộng ra các làng lân cận.

 

    Năm 1936, Quận ủy Phước Long được thành lập, đồng chí Lê Hoàng Chu được giao nhiệm vụ phụ trách mặt trận và đoàn thể. Thời gian này cả nước đang sôi nổi hưởng ứng phong trào Đông Dương Đại hội. Đồng chí Lê Hoàng Chu cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Quận ủy thành lập Ủy ban hành động quận Phước Long, tuyên truyền, tổ chức lấy chữ ký Nhân dân gửi lên nhà cầm quyền Nam Kỳ đòi cải cách dân chủ, thả tù chính trị; phát tán nhiều truyền đơn, kêu gọi Nhân dân hưởng ứng phong trào đấu tranh... Cũng trong thời gian này, lò bánh kẹo - cơ sở cách mạng hợp pháp do Lê Hoàng Chu và Trần Văn Bảy chỉ đạo được thành lập tại chợ Mỹ Quới. Tại đây, các tài liệu mật, những chỉ thị, nghị quyết của Quận ủy đã được đưa về tới các chi bộ và cơ sở cách mạng. Đầu năm 1938, đồng chí Lê Hoàng Chu được bổ sung vào Ban Thường vụ Quận ủy và tăng cường về hoạt động ở làng Ninh Quới, lãnh đạo các hội ái hữu.

    Cuối năm 1938, địch tăng cường khủng bố phong trào cách mạng, đồng chí Lê Hoàng Chu được điều về hoạt động ở quận Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí đã thành lập nhiều hội ái hữu trong nông dân, để giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, đồng thời tập hợp lực lượng tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Sau cuộc khởi nghĩa ở Hòa Tú vào tháng 11-1940, thực dân Pháp càn quét, đốt nhà, bắt giam những người có liên quan đến cuộc khởi nghĩa. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng ở Hòa Tú sử dụng xuồng ngụy trang đi gặt lúa mướn để đến các làng Mỹ Tú, Thiện Hương, Tân Phước Hưng (quận Châu Thành) để tránh bị khủng bố. Mặc dù chính quyền tay sai buộc hương chức, hội tề kiểm tra không cho dân làng Hòa Tú đến làm thuê, nhưng đồng chí Lê Hoàng Chu khéo léo vận động được hai địa chủ trong vùng[1] chấp thuận cho trên 100 gia đình tá túc trên phần đất của địa chủ. Những người lớn tuổi được đồng chí Lê Hoàng Chu bố trí ở tại bờ kênh xáng Mỹ Tú, còn người trẻ vào ở các chòi trong vùng sâu. Các gia đình này đều được Nhân dân địa phương cưu mang, đùm bọc...

    Cuối năm 1946, Ban Cán sự Đảng quận Châu Thành được thành lập, đồng chí Lê Hoàng Chu là Thường vụ Ban Cán sự đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh.  Tháng 2-1948, đồng chí Lê Hoàng Chu được bầu làm Bí thư Quận ủy Châu Thành và  mạnh dạn đề xuất lấy địa bàn các làng Mỹ Quới, Vĩnh Quới, Tân Long làm căn cứ cho Tỉnh ủy Sóc Trăng.

    Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Lê Hoàng Chu được phân công ở lại miền Nam công tác, với nhiệm vụ Bí thư Xã ủy Mỹ Quới. Vốn là một cán bộ dày dặn kinh nghiệm trong xây dựng cơ sở, đồng chí Lê Hoàng Chu đã nhanh chóng nối liên lạc với các cơ sở cũ, gầy dựng những cơ sở mới, tổ chức lãnh đạo Nhân dân chống tố cộng, diệt cộng và vùng lên Đồng khởi, giải phóng hoàn toàn xã Mỹ Quới.


Đường Lê Hoàng Chu hiện nay nằm trên địa bàn Khóm 1 và Khóm 2, Phường 7, thành phố Sóc Trăng. Ảnh N.M

 

    Để lãnh đạo phòng trào cách mạng tỉnh nhà trong tình hình mới, đầu tháng 5-1961, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng họp mở rộng đã thống nhất thành lập nhiều ban, ngành, trong đó có tổ chức Mặt trận Dân tộc giải phóng.

    Ngày 10-6-1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng được thành lập,  đồng chí Lê Hoàng Chu được bầu làm Chủ tịch. Trải qua 15 năm hoạt động (6/1961 – 4/1975), dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Hoàng Chu, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng luôn là ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, các chức sắc tôn giáo… chung sức, chung lòng kháng chiến, giải phóng quê hương đất nước. Trong giai đoạn khi chưa có chính quyền cách mạng (6/1961 - 10/1969), đồng chí Lê Hoàng Chu cùng với Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh còn quan tâm chăm lo xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

    Sau ngày giải phóng, dù sức khỏe yếu do bệnh nan y, nhưng đồng chí Lê Hoàng Chu vẫn cố gắng làm tốt nhiệm vụ trong việc tập hợp, đoàn kết các dân tộc, tầng lớp nhân dân để xây dựng chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, từng bước ổn định đời sống Nhân dân.

    Đồng chí Lê Hoàng Chu đã từ giã cõi đời nhẹ nhàng và thanh thản vào giữa năm 1976.

    Để tưởng nhớ và tri ân người cộng sản kiên trung, năm 2006 đường Kênh Xáng mà người dân quen gọi ở Phường 7, thị xã Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng), được đặt tên là Lê Hoàng Chu. Đường Lê Hoàng Chu hiện nay nằm trên địa bàn Khóm 1 và Khóm 2, Phường 7, dài 2.100 m bắt đầu từ đường Quốc lộ 1A và kết thúc là đường Sóc Vồ.

Thanh Hà



[1] Hai địa chủ là Hội đồng Sáu và bà Phạm Thị Phi, vợ của Ban Biện Tiếng. Hai địa chủ này gốc ở Chợ Lớn, rất sùng đạo Phật.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 74
  • Hôm nay: 1466
  • Trong tuần: 70,799
  • Tất cả: 11,864,826